Tìm hiểu về kỹ thuật canh tác trên đất dốc theo hướng nông nghiệp bền vững

Diện tích đất đồi núi nước ta chiếm tới 75% diện tích của cả nước, chính vì vậy mà đất đồi dốc chiếm vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp cả nước. Cần có những phương thức canh tác hợp lý trên vùng đất đồi dốc để phát triển nông nghiệp, đảm bảo cân bằng các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp canh tác trên đất dốc theo hướng nông nghiệp bền vững.

Nhiều vùng đất dốc môi trường sinh thái đã phần nào bị suy thoái do quá khứ khai thác và canh tác chưa hợp lý. Hiện tượng xói mòn và rửa trôi do con người gây nên cũng đã biến những vùng đất vốn rất màu mỡ thành đất thoái hóa bạc màu, có độ phì nhiêu thấp.

Do sức ép về dân số, đất đai ở những vùng sâu vùng xa, thậm chí kể cả rừng cấm đầu nguồn cũng đã và đang bị xâm hại dẫn đến sự thoái hóa tài nguyên thiên nhiên, biểu hiện ở độ che phủ rừng giảm sút một cách đáng báo động, sức sản xuất của đất cũng kém dần và thoái hóa về đa dạng sinh học.

Dưới đây là những kỹ thuật canh tác cơ bản để canh tác bền vững trên đất đồi dốc:

1. Tăng tối đa lượng chất hữu cơ trong đất

Bằng cách này chúng ta dễ dàng đạt năng suất mong muốn với giá thành sản xuất giảm.

Điều này có thể đạt được qua áp dụng các kỹ thuật nông lâm kết hợp, xen canh, luân canh, gối vụ và cây trồng họ đậu che phủ đất ngăn cỏ dại như: lạc dại, cỏ ba lá, keo tai tượng, cỏ linh lăng để tạo sinh khối tối đa cho việc bảo vệ và cải tạo đất.

Khi có nhiều chất xanh làm thức ăn gia súc thì chăn nuôi phát triển và thúc đẩy trồng trọt cũng như nghề rừng cùng phát triển theo hướng bền vững. Việc này cũng tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ.

2. Liên tục che phủ đất bằng lớp phủ thực vật sống hay đã khô

Đây là biện pháp quan trọng nhất, đa dụng và là nền tảng cho mọi nỗ lực quản lý và sử dụng đất dốc bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái.

Có thể sử dụng nilon để che phủ cho đất dốc nhưng phải che theo luống ngang sườn dốc và rãnh giữa các luống phải được phủ bằng xác thực vật.

Sử dụng lá cây khô, cỏ khô, tàn dư xác thực vật trong quá trình thu hoạch canh tác để che phủ đất.

Lợi ích của che phủ đất

Giảm xói mòn do mưa và gió: Đất tơi xốp, tăng độ hấp thu nước của đất, giảm dòng chảy bề mặt.

Giảm bốc hơi, tăng độ ẩm đất; dung hòa nhiệt độ bề mặt đất; tăng độ ổn định các cấu trúc bề mặt đất, chống kết vón và đóng váng bề mặt đất.

Giảm cỏ dại không mong muốn, tăng hiệu quả phân bón, giảm đầu tư, công làm đất, làm cỏ, phân bón.

Tăng hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng cho đất, giảm độc tố trong đất, tạo điều kiện tốt cho hạt nảy mầm tốt, bộ rễ phát triển khỏe, cây sinh trưởng tốt; tăng và ổn định năng suất, chất lượng cây trồng một cách bền vững.

Lợi ích về bảo vệ môi trường

Hạn chế du canh, cải thiện nguồn tài nguyên đất, nước và rừng.

Chống lắng đọng các lòng sông hồ, đặc biệt là hồ thủy điện; giảm lũ lụt ở miền xuôi; giảm ô nhiễm hóa học ở các vùng lân cận.

Giảm hiệu ứng nhà kính thông qua việc giảm lượng khí cacbonic thải vào không khí do đốt phá rừng, tàn dư thực vật và khói từ các nhà máy sản xuất phân bón và thuốc hóa học.

Tiết kiệm nguồn năng lượng sử dụng cho các nhà máy sản xuất phân bón và thuốc hóa học và vận hành các loại máy làm đất.

Lợi ích về sức khỏe

Giảm thiểu khỏi những công việc nặng nhọc và tốn nhiều thời gian như làm cỏ và làm đất.

Có nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình, nuôi dạy con cái và phát triển nghề phụ; trẻ em sẽ có nhiều thời gian học hành, nâng cao kiến thức.

Do đất và nước ít bị hoặc không bị ô nhiễm, bệnh tật sẽ giảm, sức khỏe cộng đồng sẽ được cải thiện; do hiệu quả kinh tế cao nên xã hội sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn.

Như vậy khi áp dụng tốt biện pháp che phủ đất, có thể áp dụng được hầu hết các nhu cầu canh tác đất dốc bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân miền núi và bảo vệ tài nguyên môi trường.

3. Không làm đất hoặc làm đất tối thiểu

Đối với đất đồi dốc, nếu làm đất càng kỹ mà không che phủ thì xói mòn sẽ xảy ra rất mạnh và nhanh. Có thể làm cho đất trở nên tơi xốp mà không cần phải cày bừa đất bằng các biện pháp cơ giới. Đó là áp dụng các biện pháp thay thế nhờ hoạt động của sinh hoạt trong đất và bộ rễ khỏe của một số loài cây có (gọi là cày bừa sinh học).

4. Luân canh, xen canh và đa dạng hóa cây trồng

Luân canh, xen canh, gối vụ không chỉ tăng thu nhập mà còn tăng sinh khối nhờ sử dụng các loại cây ngắn ngày, mọc nhanh, đa chức năng, có bộ rễ phát triển khỏe, sâu để khai thác dinh dưỡng trong lòng đất như “cây bơm dinh dưỡng” hoặc tăng dinh dưỡng đất nhờ cây họ đậu cố định đạm. Ngoài ra cần xen canh các loài cây có bộ rễ phát triển nông và sâu để điều hòa dinh dưỡng và giữ độ tơi xốp của đất. Luân canh còn có tác dụng chống tích tụ nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng.

5. Nuôi cây chủ yếu thông qua lớp che phủ

Trên nhiều loại đất vùng nhiệt đới nóng ẩm do độ pH thấp dưới 5, có độc nhôm sắt, đất bị nén chặt nên rễ cây trồng không thể phát triển được.

Trong điều kiện áp dụng biện pháp che phủ đất, rễ cây có thể khi thác dinh dưỡng dưới đất và từ lớp che phủ thực vật.

Trên thực tế, rễ nhiều loại cây trồng có phần lớn miền hút nằm ngay sát lớp che phủ thậm chí trong lớp che phủ nếu độ ẩm được duy trì ở mức thích hợp.

Trong nhiều trường hợp, việc bón phân vào lớp che phủ còn hiệu quả hơn là bón vào đất.

6. Nguyên tắc thiết kế kỹ thuật

Thiết kế các kỹ thuật quản lý và sử dụng đất phải được thực hiện một cách hệ thống và phải cân nhắc đầy đủ sự tương tác giữa các hợp phần trong hệ thống (trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, con người, xã hội, văn hóa, truyền thống, tập tục, v.v..)

Các kỹ thuật phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Đa dạng, đơn giản, hiệu quả (rẻ tiền), ít đầu tư;

Hiệu quả nhanh, dễ nhận biết và dễ chấp nhận về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường;

Tận dụng tối đa các nguồn lợi sẵn có ở địa phương.

Rừng sẽ cung cấp cho ta nhiều sản phẩm có giá trị cao để cải thiện đời sống. Chăn nuôi cũng phát triển và giúp nông dân làm giàu mà không phương hại đến sản xuất nông lâm nghiệp. Chúng ta sẽ có những sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe mà không cần đầu tư cao, không phụ thuộc vào nguồn phân vô cơ.

Gánh nặng sẽ được tháo gỡ vì không phải đi cắt cỏ chăn nuôi, không mất nhiều công làm cỏ và làm đất. Cơ hội sẽ có nhiều hơn để phát triển các ngành nghề truyền thống và khôi phục các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số.

Tài nguyên thiên nhiên sẽ được sử dụng hợp lý và môi trường được bảo vệ. Với cảnh quan đẹp, chúng ta có thể mở mang du lịch sinh thái, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu một cách bền vững.

Mọi thắc mắc và cần tư vấn, xin vui lòng liên hệ:

Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).

Hotline: 0896 02 02 02 / 0789 035 035 / 0789 150 150

Facebook: https://www.facebook.com/viendanhuong

         

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Viết bình luận