Giải đáp một số câu hỏi thường gặp khi trồng cây Đàn hương trắng Ấn Độ

Cây Đàn hương trắng có nguồn gốc Ấn Độ hiện nay đã được trồng nhiều tại hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Trong quá trình trồng và chăm sóc cây Đàn hương, bà con thường gặp một số vấn đề băn khoăn, thắc mắc. Viện nghiên cứu cây Đàn hương sẽ giúp bạn giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Cây giống đàn hương như thế nào là đạt tiêu chuẩn để trồng?

Cây Đàn hương đạt điều kiện để trồng khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

- Xuất xứ của giống: Từ những cây đàn hương thuần chủng của Ấn Độ

- Độ tuổi của cây bố, mẹ: Nên chọn hạt giống từ cây đã được 10 năm trở lên

- Vùng cây sạch bệnh: Nên chọn các cây từ vùng cây để riêng làm giống, không bị bệnh spike (xoăn lá)

- Chiều cao của cây: Cây phải được nhân giống ít nhất 6 tháng và có chiều cao từ 25 cm trở lên.

Lưu ý: Không nên dùng cây giống Đàn hương nhân giống bằng chất kích thích GA3 vì sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành lõi và tỷ lệ tinh dầu.

2. Tại sao phải trồng cây đàn hương gần một cây khác?

Khi cây còn nhỏ, chủ yếu nó sống dựa vào các chất dinh dưỡng trong phôi. Khi cây lớn lên có khoảng 8 đến 9 lá thì các chất dinh dưỡng đã dùng hết. Lúc này trên rễ của cây mọc lên một chậu hút hình tròn như viên bi, hút chặt vào bộ rễ cây nằm bên cạnh, nó hút một số chất dinh dưỡng do cây đó tạo nên để sống (một số vi chất mà bản thân cây không thể tổng hợp như Kẽm (Zn); Sắt (Fe); Bo (B);Mo (Molypden); Clo (Cl); Mangan (Mn) được còn cơ bản cây vẫn lấy chất dinh dưỡng từ đất).

Trong thời gian này nếu không tìm được loại thực vật nào để bám, cung cấp dinh dưỡng cho nó thì nó sẽ không thể lớn được, thậm chí còn dần dần chết đi. Do đó, khi trồng đàn hương, nhất thiết phải trồng thêm một loại thực vật khác bên cạnh để rễ cây bám vào. Chính vì đặc tính này mà các nhà thực vật học gọi nó là “thực vật bán ký sinh”, thực vật bị nó bám vào để sống được gọi là “thực vật chủ ký sinh”.

3. Những loại cây gì có thể trồng với Đàn hương ?

+ Giai đoạn trong bầu: Trồng với cây lạc dại, cây rau rệu và cây xấu hổ

+ Giai đoạn chuyển tiếp: Cây Đậu triều, cây Điền thanh, cây hoa Dành dành, hoa Nhài

+ Giai đoạn lâu dài: Cây sưa, Giáng hương, Phi lao, cây Keo bông tràm, cây Chùm ngây, cây Bưởi, Cam, Chanh, cây Tử đàn, cây Bơ….

Ký chủ Đậu triều giai đoạn chuyển tiếp 1-2 năm, và ký chủ lâu dài – cây cà phê

4. Mật độ trồng với một số cây ký chủ dài hạn của cây Đàn hương?

Cây gỗ

+ Cây Sưa: Sưa trồng mật độ 5 (4.5) m x 3,5m, đàn hương trồng vào giữa hàng sưa cách 5m. Các hàng xen kẽ nhau để đảm bảo có ít nhất 1 cây ký chủ xung quanh cây đàn hương.

+ Cây Dổi: Có thể trồng mật độ 4m x 4m, trồng 1 cây Đàn hương vào giữa và bỏ 1 ô trống và trồng 1 cây Đàn hương và giữa cây dổi tiếp theo. Mật độ 6m x 6m: trồng 1 cây Đàn hương vào giữa 4 cây dổi. Mật độ 7m x 5m: trồng 1 cây đàn hương vào giữa 2 cây dổi có khoảng cách 7m

+ Cây Keo lá tràm: mật độ trồng 5m x 3,5 m/4m

+ Cây Tràm: mật độ trồng 5m x 3,5m/4m

Cây ăn quả

+ Cây Bưởi, Mít: Có thể trồng mật độ 5m x 5m, trồng 1 cây Đàn hương vào giữa

+ Cây Na: mật độ trồng 5m x 3,5 m/4m

+ Cây Nhãn, Vải: Mật độ trồng 6m x 6m, trồng xen 1 cây Đàn hương và giữa 4 cây nhãn/vải

+ Cây Xoài: mật độ trồng 6m x 4m

Cây khác

+ Cà Phê, Tiêu (Trụ sống), chè: mật độ trồng Đàn hương từ 250-280 cây/1 ha

5. Không nên trồng Đàn hương với loại cây nào?

cây Xoan, cây Sấu.

6. Trồng Đàn hương có ảnh hưởng tới cây ký chủ không? Nếu có, biện pháp khắc phục là gì?

- Cây Đàn Hương lấy nước và các vi chất từ ký chủ nên nó có ảnh hưởng đến ký chủ. Trong trường hợp trồng mật độ cây Đàn hương dày quá hoặc đất quá nghèo dinh dưỡng thì cây Đàn Hương có thể lấn lướt và làm cây ký chủ lụi dần.

- Biện pháp khắc phục:

+ Trồng xen canh theo khoảng cách phù hợp trên cơ sở tính toán đường kính tán khi trưởng thành của các cây để chúng không cạnh tranh với nhau;

+ Trồng mật độ giữa cây Đàn hương và cây ký chủ cân đối (1 – 1). Tối đa 3 cây Đàn hương phải có 1 cây ký chủ.

+ Bổ sung dinh dưỡng ít nhất 1 năm 2 lần cho cả Đàn Hương và cây ký chủ. Nên dung các loại phân hữu cơ trộn thêm lượng nhỏ Lân và NPK;

+ Đảm bảo cung cấp đủ nước cho vườn trồng, đặc biệt vào mùa nắng nóng hoặc khô hạn.

7. Cây Đàn hương thích hợp với các loại đất nào?

Đàn hương có thể trồng được ở các loại khác nhau của các loại đất như đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi, và đất bông đen. Cây Đàn hương có thể phát triển trong điều kiện của PH đất khác nhau từ 6,0 - 8,0. Đối với tăng trưởng tốt của cây nó đòi hỏi hệ thống thoát nước tốt, vì nó không chịu được ngập úng.

8. Nhiệt độ thích hợp trồng cây Đàn hương?

Cây Đàn hương chịu được phổ nhiệt rất rộng từ 5 độ C đến 48 độ C. Dưới 5 độ C, cây sẽ tạm ngừng phát triển. Nhiệt độ băng giá dài ngày, cây có khả năng sẽ chết.

9. Cây Đàn hương trồng bao nhiêu năm thu hoạch được?

- Lá Đàn hương: Cho thu hoạch từ năm thứ 1 đến năm thứ 4

- Hạt Đàn hương: Năm thứ 3 trở đi, trung bình từ năm thứ 4 đến năm 13, trung bình cho khoảng 1,5 kg/1 cây/1 năm

- Gỗ đàn hương: Từ năm thứ 13 trở đi. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 20-30 kg lõi bao gồm lõi thân, lõi rễ và lõi cành.

10. Giá trị của việc trồng Đàn hương là gì?

Bảo vệ môi trường

Cây xanh quanh năm, lượng Oxy cung cấp cho môi trường gấp 5-6 lần so với những cây khác.

Giá trị kinh tế

+ Lá Đàn hương: Dùng làm trà cao cấp để lọc chất độc trong máu, giúp hỗ trợ huyết áp đối với bệnh nhân huyết áp cao. Giúp ngủ ngon, giải tỏa cơn say rượu. Dùng lá để làm gối giúp lưu thông máu lên não tốt.

+ Hạt Đàn hương: Ép dầu hạt dùng trong dược liệu hoặc Mỹ phẩm, có thể rang lên và sử dụng như các loại hạt hoặc nghiền nhỏ rắc trên các món ăn để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày.

+ Rễ Đàn hương: Dùng để chiết xuất tinh dầu. Cứ 100 kg rễ Đàn hương sẽ chiết xuất được khoảng 4 kg tinh dầu.

+ Lõi gỗ: Dùng làm đồ mỹ nghệ cao cấp, đồ trang sức, đồ tâm linh, dùng để ép tinh dầu, dùng để chữa bệnh.

+ Cành, rác gốc và gỗ vụn (Bột gỗ Đàn hương): Dùng để trị tàn nhang, nám, trứng cá, chống lão hóa da, dùng để làm mỹ phẩm cho làn da trắng hồng hoặc dùng làm nhang đàn hương, xà phòng đàn hương.


 

Giá trị tâm linh

Việc trồng cây đàn hương giúp mang lại may mắn bình an, sức khỏe dồi dào, tài lộc đủ đầy và vượng khí. Cây Đàn hương được coi là biểu tượng của sức sống.

11. Tại sao cây tôi trồng bị vàng lá và không phát triển?

Nguyên nhân

Hiện tượng vàng lá và cây không phát triển có thể do các nguyên nhân sau:

+ Nấm. Thiếu dinh dưỡng, hoặc thối, nấm rễ;

+ Nơi trồng bị ẩm quá, gốc cây bị thấp hơn mặt đất;

Biện pháp khắc phục

+ Định kỳ phun Anvil, Ridomil hoặc Antracol 1-2 lần/tháng trong 6 tháng đầu sau khi trồng cây.

+ Sử dụng phân bón lá vi lượng kết hợp Atonik để phun 1 tháng 2 lần;

+ Tưới thêm kích rễ N3M hoặc Humic

+ Trước khi trồng nên bón lót bằng phân hữu cơ hoai mục có trộn với vôi.

+ Rắc vôi quanh gốc tiêu diệt nấm và côn trùng gây hại đến bộ rễ.

12. Làm thế nào để cây không bị ngập úng?

- Làm rãnh thoát nước nếu vườn trồng khó thoát nước hoặc chân vườn thấp

- Khi trồng nên đặt bầu cây cao hơn mặt đất khoảng 5-10cm sau đó vun cao gốc lên và thoải ra bên ngoài.

13. Đất dốc có trồng được Đàn hương không? Biện pháp khắc phục tránh rửa trôi dinh dưỡng?

- Đất dốc có thể cải thiện bằng cách làm đường đồng mức hoặc nếu không có đường đồng mức thì xung quanh khu vực trồng 1m tạo mặt bằng cho cây trồng.

- Ngoài ra khi trồng phải trồng cây cao hơn mặt đất khoảng 5-10cm, thoải từ gốc ra ngoài để tránh bị xói mòn rửa trôi dinh dưỡng.

- Trồng thêm cây ký chủ cho Đàn hương như Lạc dại, cỏ Vertiver để vừa bổ sung cây ký chủ cho Đàn hương vừa chống rửa trôi khi mưa nhiều.

14. Mùa trồng đàn hương thích hợp nhất?

- Miền Bắc và Bắc Trung Bộ: Trồng 2 đợt từ tháng 02 đến hết tháng 04 và từ tháng 07 đến hết tháng 10 hàng năm

- Tây Nguyên và các tỉnh lân cận: Trồng từ tháng 4 đến hết tháng 10

- Các tỉnh Nam Trung Bộ: Trồng thứ tháng 9 đến hết tháng 12.

 

Viện Đàn hương vừa giải đáp những câu hỏi xoay quanh quá trình trồng và chăm sóc cây Đàn hương. Hy vọng sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho việc phát triển cây Đàn hương của bà con!

Mọi thắc mắc và cần tư vấn, xin liên hệ:

Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).

Hotline: 0896 02 02 02 / 0789 035 035 / 0789 150 150

Facebook: https://www.facebook.com/viendanhuong 

 

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Bình luận

  • avatar

    Phạm Văn Điện
    Mình đang tìm hiểu về cây đàn hương. Mình đang ở Cà Mau đất phèn muốn thay đổi cây tràm bằng cây đàn hương, đất trồng cam, mít, bưởi rất tốt. Xin tư vấn của viện. Xin cảm ơn

Viết bình luận