Các nguyên tắc cơ bản trong canh tác nông nghiệp theo hướng tự nhiên

Những năm gần đây, khái niệm canh tác nông nghiệp theo hướng tự nhiên nhiên đang được rất nhiều người quan tâm. Điều này giúp thiết lập lại trật tự tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững và tiết kiệm chi phí đầu tư. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thêm về các nguyên tắc cơ bản trong canh tác nông nghiệp theo hướng tự nhiên.

1. Khôi phục, cải thiện độ phì nhiêu của đất

Bước đầu tiên để thiết lập một môi trường canh tác tự nhiên là cần phải phục hồi độ phì nhiêu của đất bằng cách giảm đến mức thấp nhất việc làm xáo trộn đất và tăng tối đa các chất hữu cơ cho đất.

Đất có khỏe mạnh thì mới tạo ra cây trồng khỏe mạnh, cây tự tạo ra sức đề kháng cho riêng mình sẽ là cách tốt nhất để hạn chế sự tác động từ sâu bệnh. Để cải tạo đất, hãy ít đào xới, che phủ nhiều hơn và thường xuyên bón các loại phân hữu cơ vào đất.

2. Tạo môi trường sống cho động vật ăn mồi

Bước thứ hai cần làm là tạo môi trường sống tự nhiên thích hợp cho động vật ăn thịt và duy trì những gì đang có. Khuyến khích việc làm đa dạng các loài cây dại ở những khu vực đất sỏi đá không canh tác và ở ven bờ ruộng.

Sử dụng các bờ dải đồng mức với nhiều mục đích khác nhau: như trồng cây ăn quả, cây lấy củi, cỏ cho gia súc và hàng cây chắn gió, tất cả những loại cây này đều giúp thiết lập lại sự cân bằng giữa sâu bọ và các loài ăn mồi.

Thiết lập lại môi trường sống tự nhiên ở những khu đất không sử dụng như bờ ruộng, khu đá sỏi không trồng trọt được và những khoảnh đất hoang. Bằng cách, cho phép sự tồn tại của những loài cây mọc tự nhiên và tự tái sinh, những loại cây to, cây bụi và cỏ. Điều đó sẽ làm cho những mảnh đất này trở nên hữu ích hơn.

Bên cạnh đó, cần thiết lập những hàng cây chắn gió bằng các cây bản địa xung quanh các mảnh ruộng hay ở những nơi nhiều đá sỏi để bảo vệ đất khỏi bị gió thổi khô, cung cấp gỗ làm nhiên liệu, nguyên liệu xây dựng, và tạo môi trường sống tốt cho động vật ăn côn trùng.

3. Đa dạng hóa cây trồng

Bước thứ ba là giới thiệu và áp dụng lại việc đa dạng cây trồng trong hệ thống sản xuất bởi vì sự đa dạng là phương pháp tự nhiên hiệu quả nhất để duy trì mối cân bằng giữa sâu bọ và các loài ăn mồi đồng thời đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất.

Ở những nơi độc canh, người canh tác cần làm tăng sự đa dạng cây trồng thông qua luân canh, xen canh, trồng xen kiểu hỗn hợp, trồng xen theo hàng và trù tính kiểu canh tác lâu bền.

Mỗi cây của cùng một loài được trồng tách biệt nhau để nếu sâu bọ ăn cây này thì khó có thể lan sang cây kia. Khoảng cách giữa những cây này được trồng xen vào những loại cây khác, nhằm bảo vệ lẫn nhau bằng cách này hay cách khác như làm hàng rào chắn tự nhiên hay trồng cây xua đuổi qua hương vị tiết ra từ lá, hoa hay rễ cây của chúng.

Ngoài ra, mỗi cây giúp tạo ra một môi trường sống hoàn toàn phù hợp (độ ẩm, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, đời sống côn trùng, chắn gió,…) để tạo ra tối đa lượng nguyên liệu thực vật ở nơi đó.

4. Không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp

Bước thứ tư là không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân hóa học, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc trừ nấm. Việc phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng tiêu cực cho hệ sinh thái trong và ngoài đồng ruộng, chi phí đầu vào và sức khỏe con người.

Các loại phân bón hóa học làm mất chất hữu cơ và làm hỏng cấu trúc của đất, suy giảm số lượng các loài sinh vật có ích trong đất và làm cho đất dễ bị chua. Chúng ta cần sử dụng nhiều hơn các loại phân bón tự nhiên như phân hữu cơ, phân chuồng và phân ủ.

Các chất diệt cỏ được tạo ra để diệt những loại cây tồn tại trên mặt đất ngoài ý muốn của con người nhưng chúng cũng lại phá hoại đời sống của những sinh vật có ích trong đất, làm mất cân bằng giữa các loài gây hại và loài ăn mồi.

Những loại thuốc trừ sâu mới lúc đầu có hiệu quả cao nhưng hiệu quả đó giảm đi theo thời gian do hai yếu tố:

Thứ nhất

Một mặt bản thân những động vật ăn mồi giúp làm giảm số lượng sâu hại cũng bị tiêu diệt, đôi khi còn bị tiêu diệt nhiều hơn là sâu hại.

Thứ hai

Những con sâu còn sống sót sau khi dùng thuốc trừ sâu sẽ kháng thuốc và tiếp tục sinh sản. Thế hệ mới của sâu hại này có khả năng kháng thuốc trừ sâu và số lượng sâu hại vì thế sẽ tăng lên.

Vì vậy, nên sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng và phân ủ thay thế cho phân vô cơ, luân canh, trồng xen thêm cây dưới tán cây trồng chính, canh tác cơ học thay cho việc sử dụng chất diệt cỏ và thực hiện các phương pháp tự nhiên để thay thế cho những hóa chất có hại hiện đang được sử dụng khống chế sâu bệnh.

 

Tuân thủ các nguyên tắc canh tác nông nghiệp theo hướng tự nhiên bền vững sẽ mang lại hiệu quả cao nhưng cần rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Những giá trị mang lại sẽ vô cùng to lớn, giúp cải thiện đáng kể môi trường sống và chất lượng sản phẩm.

 

Mọi thắc mắc và cần tư vấn, xin liên hệ:

Viện nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF).

Hotline: 0896 02 02 02 / 0789 035 035 / 0789 150 150

Facebook: https://www.facebook.com/viendanhuong 

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Viết bình luận