Gìn giữ hiện tại cho tương lai - Bài học từ cây Hoàng đàn

Hoàng đàn là một loài hạt trần đặc hữu và nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam. Trước đây cây phân bố khá phổ biến trên các núi đá vôi của tỉnh Lạng Sơn. Do có gỗ và tinh dầu quí nên trong những năm cuối thập kỷ 1980, Hoàng đàn đã bị khai thác một cách hủy diệt để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Người ta đào hoặc đánh cả mìn để lấy những đoạn rễ còn kẹt trong núi đá vôi mà khi khai thác lần đầu còn bỏ sót. Cuối năm 2004, cây Hoàng đàn trưởng thành cuối cùng trong thiên nhiên đã bị tuyệt chủng. Đây là một bài học đau xót cần rút ra trong công tác quản lý rừng và LSNG của Việt Nam.

 

Hoàng đàn – loài cây tinh dầu quý hiếm của Việt Nam

Hoàng đàn là loài đặc hữu hẹp của Việt Nam, trước đây phân bố ở các huyện phía Nam của tỉnh Lạng Sơn như Hữu Lũng, Bắc Sơn, Đồng Mỏ. Hữu Lũng là vùng tập trung nhiều nhất, cây mọc ở các bản Lân Cốc, Nà Nọc xã Hữu Liên, trên một khu vực rộng khoảng 150 ha.

 

Hoàng đàn chỉ mọc trên các dãy núi đá vôi có độ cao 300 - 700m, ít khi lên đến 1000m. Cây mọc nhiều ở chân các núi đá vôi có độ cao trên 300m, có độ dốc không quá 50 nhưng cũng gặp ở sườn và ở đỉnh núi đá vôi có độ dốc lớn. Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm trung bình, có nhiệt độ bình quân năm 20 - 210C, độ ẩm 80 - 90%. Hoàng đàn ưa thoát nước, thường mọc trên các đất màu xám vàng, phong hoá từ núi đá vôi. Cây trung tính thiên về ưa sáng, lúc nhỏ chịu bóng nhẹ hay tàn che một phía; khi 3 - 4 tuổi chuyển sang cây ưa sáng, nếu bị che bóng nhiều sẽ chết. Cây mọc tương đối chậm, nhưng nếu ở nơi đất tốt chiều cao có thể đạt 0,4 - 0,5m/năm, đường kính 1cm/năm. Cây cho nhiều hạt nhưng lượng cây con tái sinh từ hạt dưới tán cây mẹ thường rất ít và rải rác.


Hoàng đàn trước đây được định tên khoa học là Cupressus torulosa D. Don. họ Hoàng đàn - Cupressaceae. Gần đây, sau khi nghiên cứu mẫu đầy đủ cả nón đực và nón cái, nhiều nhà khoa học đã cho rằng tên khoa học trên là không chính xác. Hoàng đàn có thể là một loài hạt trần đặc hữu và mới của miền Bắc Việt Nam và chỉ gặp trên các núi đá vôi của tỉnh Lạng Sơn.

 

 

Ngoài việc phân bố hẹp, tái sinh tự nhiên ít, Hoàng đàn còn quí vì cho chất gỗ mềm, nặng vừa, ít co rút, cong vênh, không mối mọt, mùi thơm dịu, được ưa dùng làm đồ gỗ, đồ mỹ nghệ và đồ thờ cúng; bột Hoàng đàn còn dùng làm hương; tinh dầu Hoàng đàn có trong rễ và gỗ là 4,5 - 5,5%, trong lá ít hơn (0,5 - 0,8%); được dùng làm thuốc xoa bóp chữa sưng tấy, ứ huyết, sai khớp, tê thấp và cũng dùng làm chất định hương, nước hoa. Cành và lá dùng chữa nôn ra máu, trĩ, bỏng (dùng ngoài lấy nước sắc đặc bôi hoặc rắc bột mịn). Quả chữa cảm mạo sốt, nhức đầu, đau dạ dày (sắc uống); vỏ thân chữa tiêu chảy, đau bụng (sắc uống).

Cây Hoàng đàn đã tuyệt diệt ngoài thiên nhiên

Từ lâu, người dân đã khai thác Hoàng đàn để làm thuốc và làm hương thắp nhưng do thị trường không lớn nên vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cây Hoàng đàn còn khá nhiều ngoài thiên nhiên. Từ đầu năm 1986, khi thị trường bắt đầu mở rộng, một số thương nhân đã đến vùng Hữu Liên vận động nhân dân khai thác gỗ Hoàng đàn bán cho họ. Đầu tiên là các cây to bị cưa sát gốc, chặt bỏ các cành nhánh, cưa thành từng đoạn dài 0,8 - 1,0m; để nguyên khúc hay dùng rìu chẻ đôi cho vừa sức người vác xuống chân núi, đến bãi tập kết, sau đó chở ra phố Mẹt, huyện Hữu Lũng và chuyển về thị xã Bắc Giang, Từ đó có xe ô tô chở đi Hải Phòng xuất khẩu.

 

 

Khi các cây Hoàng đàn to bị khai thác hết thì dân địa phương khai thác đến cây con, cành nhánh, gốc cây và rễ cây. Họ đánh mìn hay bộc phá để thu các rễ cây mọc len lỏi trong hốc đá. Chỉ trong vòng 2 năm (1988 - 1989), 6 người dân của hai xã Hữu Lũng và Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã chết vì tai nạn khi khai thác rễ Hoàng đàn. Giá thu mua rễ và cành Hoàng đàn nhỏ tại chỗ là 700 - 800đ/kg (năm 1991 – 1992)

 

Hiện nay, rễ lớn của Hoàng đàn đã bị khai thác hết, nhưng người dân vẫn tiếp tục đi tìm những rễ nhỏ còn sót lại trong các hốc và khe đá. Hàng ngày nhiều em học sinh xã Hữu Liên vào rừng, lên núi tìm các chỗ có cây Hoàng đàn đã bị khai thác trước đây để tìm rễ nhỏ của cây Hoàng đàn còn bị kẹt giữa các khe đá. Bọn trẻ dựng que sắt nhọn đầu, dài khoảng 1,2m, to bằng ngón tay út, chọc xuống các khe. Khi nghe tiếng kịch và ngửi thấy mùi thơm ở đầu que sắt là dùng thuổng đào bới để thu các loại rễ từ to bằng cổ tay, cổ chân thậm chí có rễ nhỏ như ngón tay. Loại rễ to bằng cổ tay, cổ chân có giá 120.000đ/kg, loại bé hơn 70.000đ/kg. Loại nhỏ nhất bằng ngón chân, ngón tay giá 45.000đ/kg. Rễ được bán cho các điểm thu mua tại xã hoặc người buôn bán nhỏ trực tiếp đến nhà mua. Có cháu thu được 6kg rễ Hoàng đàn một ngày, bán được 420.000 đồng. Về cơ bản, với cách khai thác hủy diệt này, cây Hoàng đàn đã bị tuyệt diệt ngoài thiên nhiên. Việc tuyệt diệt của loài Hoàng đàn ngoài thiên nhiên là một bài học đáng buồn trong công tác quản lý LSNG của chúng ta trong giai đoạn vừa qua. Với tình hình buông lỏng quản lý LSNG trong khi thị trường phát triển ngày càng lớn như hiện nay thì việc tuyệt diệt của nhiều loài LSNG trong thời gian tới là điều không tránh khỏi.

Cần phục hồi lại loài và quần thể Hoàng đàn trên vùng núi đá vôi của Lạng Sơn


Tuy Hoàng đàn đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên, nhưng rất may một số người dân địa phương xã Hữu Liên khi đi khai thác rừng thấy cây có dáng đẹp nên bứng cây Hoàng đàn con trong rừng về trồng trong vườn hay quanh nhà. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên cũng đánh về trồng 23 cây Hoàng đàn tại chân núi đá vôi cạnh trạm trung tâm rừng đặc dụng. Các cây này được trồng từ năm 1993. Tới nay, cây cao nhất có đường kính 13 - 14cm, cao 5m. Từ đầu năm 2004, cây bắt đầu ra hoa kết hạt. Một số cây Hoàng đàn do nhân dân đánh về trồng trong vườn trong thời điểm đó cũng đã ra hoa kết hạt.

 


 

Theo kinh nghiệm của các cụ già trong bản, muốn Hoàng đàn phát triển tốt cần trộn lẫn những hòn đá vôi to bằng nắm tay với đất trong hố trồng. Những cây có trộn đá vôi trong đất trồng đều phát triển tốt, cây lớn nhanh, lá xanh đậm; các cây không bón đá vôi thì lá sẽ vàng úa và chết dần, nếu có sống được thì cũng còi cọc chậm lớn.

 

Trung tâm giống cây trồng vùng Đông Bắc cũng đã trồng thí nghiệm Hoàng đàn bằng hạt và hom cành, bước đầu đã thu được kết quả.

 

Với các kết quả trên, việc khôi phục lại loài và quần thể Hoàng đàn trên vùng núi đá vôi của tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

 

Các cơ quan hữu quan của Bộ NN và PTNT, đặc biệt là các cơ quan hữu quan của tỉnh Lạng Sơn cần sớm có kế hoạch bảo vệ các cây Hoàng đàn đang được trồng trong vườn gia đình và tại khu Bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên, đồng thời xây dựng các kế hoạch để phục hồi lại loài cây này trong các khu phân bố trước đây của chúng. Tỉnh Lạng Sơn nên coi cây Hoàng đàn là biểu tượng của tỉnh và có các biện pháp tích cực nhất để khôi phục và phát triển loài cây LSNG quí hiếm và nổi tiếng này.

 

(Nguồn: Bản tin LSNG)

Vũ Văn Dũng- Mai Thế Bồi (CTQ số 72)

 

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Viết bình luận