Từ Hi thái hậu và sự mến chuộng gỗ Đàn hương

Người Tô Châu có câu ngạn ngữ:
"Tháng sáu mà có cái quạt Đàn hương nhỏ
Thì nóng đến đâu cũng không khó chịu trong người"
Đàn hương phiến - quạt một cái thì hương thơm tỏa ra bốn hướng và đó cũng là niềm khát khao, mong mỏi của dân gian. Được cầm trên tay cái quạt Đàn hương để xua tan oi bức, khắc nghiệt của mùa hè thì còn vui thú nào bằng!

Thế nhưng, đâu phải ai cũng được sở hữu gỗ Đàn hương – loại gỗ cao cấp mà chỉ có tăng lữ và quý tộc hoàng gia mới có điều kiện để dùng. Trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, gỗ Đàn hương vừa là “linh phẩm” lại vừa là “quyền phẩm”. Các vị vua, hoàng hậu và phi tần dùng nó không chỉ để tiện nghi, lợi ích trong sinh hoạt mà còn để thể hiện đẳng cấp của hoàng gia. Minh chứng cụ thể nhất của điều này có thể thấy rõ qua Từ Hi thái hậu – một người vô cùng mến chuộng gỗ Đàn hương.

Từ Hi thái hậu – lối sống quyền quý bậc nhất thời Thanh

Có lẽ trong lịch sử Trung Hoa chưa từng có một người phụ nữ nào như Từ Hi thái hậu: vừa tài hoa lại vừa độc ác; sống xa xỉ, hoang dâm nhưng lại xưng là "Lão Phật gia".
Và đặc biệt hơn: một phụ nữ suốt đời tham quyền nhiếp chính nhưng cũng không ngừng nỗ lực làm đẹp - từ uống sữa người, dùng mỹ phẩm cho đến sở thích chụp hình.

Bỏ qua công và tội của Từ Hi đối với xã tắc Đại Thanh thì những câu chuyện về bà cũng là đề tài tốn nhiều bút mực của hậu thế. Một người mà lăng mộ phải xây suốt 13 năm với 2400 con rồng vàng, làm tiêu tốn hàng triệu lượng bạc, đời sống sinh hoạt và làm đẹp của người đó có gì đặc biệt hơn người chăng?

Từ những thỏi xà phòng thơm...

Thói quen sinh hoạt cầu kỳ, quyền quý của Từ Hi thái hậu không chỉ nằm trong những bữa ăn trăm món mà còn ở cả thói quen tắm rửa và sử dụng xà phòng. Được biết, vào đời nhà Thanh, trước khi các loại xà phòng phương Tây được biết đến thì xà phòng thơm theo kiểu truyền thống vẫn được sản xuất. Hiển nhiên, đối tượng sử dụng phổ biến của nó là giới quý tộc hoàng gia, đặc biệt vua Quang Tự và Từ Hi thái hậu.

Để chiều lòng bậc “mẫu nghi thiên hạ”, các vị ngự y đã nghiên cứu và bổ sung vào thành phần xà phòng các loại nguyên liệu mới. Trong các loại nguyên liệu đó, Đàn hương đã góp phần tạo thành một loại xà phòng không chỉ thơm tho khác thường mà còn làm sạch và nuôi dưỡng da, đồng thời còn giúp giảm ngứa, giảm viêm và làm dịu tinh thần. Có thể nói, xà phòng Đàn hương đã trở thành niềm tự hào của hoàng gia nhà Thanh thời bấy giờ và hương Đàn hương cũng trở thành thứ hương được nhiều người ngưỡng mộ. Càng ngày, Từ Hi thái hậu càng không rời được mùi hương vượt trội và độc đáo của nó.

đến nỗ lực làm đẹp...

Không chỉ uống sữa người để bổ dưỡng, bà còn quan tâm đến các loại mặt nạ dưỡng da. Chính vì thế, so với các phụ nữ khác thì Từ Hi thái hậu luôn trẻ hơn so với tuổi.
Theo tư liệu ghi chép thì năm 53 tuổi, gương mặt Từ Hi thái hậu bắt đầu có các vết sạm đen, thô ráp và điều này khiến bà lo lắng. Một lần nữa, để chiều lòng khát khao lưu giữ thanh xuân của Từ Hi, các ngự y giỏi nhất đã ngày đêm nghiên cứu và cho ra đời công thức bột mặt nạ để da mặt bà trở nên trắng đẹp, căng bóng hơn. Và từ đó, "Thanh cung Ngọc dung tản" ra đời với 20 vị thuốc, bao gồm: bạch khiên ngưu, bạch liễm, bạch tế tân, bạch cập, bạch liên nhụy, bạch phục linh, bạch chỉ, bạch truật, bạch cương tàm, bạch phụ tử, bạch biển đậu, bạch đinh hương, cam tùng, bột đậu xanh (mỗi loại 1 lạng), kinh
giới, độc hoạt, khương hoạt, Đàn hương, phòng phong (mỗi loại 5 tiền) và trân châu (2 phân).

Ngọc dung tản

Cách dùng: tán các vị trên thành bột, khi thoa thì kết hợp với lòng trắng trứng gà (dùng khoảng 14 ngày sẽ thấy hiệu quả). Lưu ý, "Ngọc dung tản" có nhiều công thức khác nhau. Được biết, không chỉ ở thời nhà Thanh mà ở các triều đại trước đó, phụ nữ quý tộc cũng đã biết dùng bột Đàn hương để làm đẹp. Cụ thể hơn thì từ thời nhà Tống, phụ nữ quý tộc đã thích dùng bột Đàn hương và các loại bột thơm khác để thoa toàn thân.
Trong số đó, có thể kể đến "Mai chân hương" (梅真香) - một loại bột thơm toàn thân dành cho da khô, viêm và mụn, với các thành phần cơ bản là đàn hương, linh lăng hương diệp, cam tùng, đinh hương, bạch mai mạt, long não và xạ hương.
Ngoài ra còn có thể kể đến bột thuốc "Tú phát tán" giúp tóc đen, óng ả và giảm rụng mà các ngự y đời Thanh đã kê cho Từ Hi thái hậu. Phương thuốc này cũng chắc chắn thông thể thiếu Đàn hương - một loại nguyên liệu được Từ Hi thái hậu ưa dùng (ngoài ra còn có đinh hương, hoa hồng, cam thảo, tế tân... và nhiều thảo dược khác, khi dùng thì tán bột rồi chải lên tóc).

và ấn tỷ

Cùng với Võ Tắc Thiên (thời Đường) và Lữ Hậu (thời Hán), Từ Hy thái hậu đã trở thành một trong ba người phụ nữ quyền lực nhất của lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Suốt nửa thế kỷ nắm quyền của mình, bà đã thể hiện uy quyền trên nhiều phương diện, từ các quy tắc trong cung cho đến đồ dùng sinh hoạt và chứng thực. Được biết, vào thời nhà Thanh, gỗ Đàn hương là một trong ba chất liệu thượng hạng để làm con dấu (cùng với Ngọc bích Hòa Điền và đá Thọ sơn thạch). Và hiển nhiên, Từ Hi thái hậu không thể bỏ qua gỗ Đàn hương, từ bột đắp mặt cho đến ghế gỗ, con dấu, đồ trang trí trên đầu và cả những chuỗi tràng hạt lớn nhỏ khác nhau. Đến nay, khi nói đến bộ sưu tập cung điện hoàng gia, người ta không thể không kể đến ấn tỷ "Từ Hi thái hậu ngự bút chi bảo" cao 16, 7 cm (của Từ Hi thái hậu), với chất liệu hoàn toàn từ gỗ Đàn hương.

Từ Hi thái hậu ngự bút chi bảo

Trên thực tế, Từ Hi thái hậu không phải là trường hợp duy nhất trong hoàng gia nhà Thanh yêu chuộng gỗ đàn hương. Tuy nhiên, những ứng dụng cơ bản của gỗ đàn hương hầu như đều đã được bà sử dụng.

Cuối cùng, có thể nói rằng gỗ Đàn hương không chỉ là niềm tự hào của người trồng, người sản xuất mà còn là niềm hãnh diện của người sở hữu. Loại hương thơm vượt hẳn các hương thơm thông thường ấy, vừa thân thiện lại vừa cao sang, hết mực tự nhiên mà cũng không kém phần ngọt ngào, quyến rũ.

Theo: Tân Di

Được đăng vào

Bài viết liên quan

Viết bình luận