Đàn hương, từ trang nghiêm vàng son đến những bài ca dân gian

 

Từ bao giờ đến bây giờ, từ quân vương cho đến thứ dân, đến những bậc tăng ni; hương thơm luôn có sức cảm hóa dịu dàng và quảng đại. "Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế!".

Vâng, lịch sử ghi lại những điều đã xảy ra nhưng chỉ có thơ ca mới có thể nói lên tình cảm, suy nghĩ của con người trước những điều đã xảy ra đó.

Với chiên đàn hương - loại gỗ thơm thiêng liêng được ngợi ca từ kinh Phật cho đến đời sống hàng ngày, nó đã được cảm nhận như thế nào?

Kể từ giấc mộng vàng son...

Người ta bảo rằng thế lớn trong thiên hạ tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan. Vận mệnh triều đại cũng thịnh rồi suy, triều đại sau thay thế triều đại trước, duy chỉ có những chuyện "hồng nhan họa thủy" là lặp lại muôn đời.

Ngày nay, ở đất Trung Hoa người ta còn truyền nhau câu chuyện Trần Thúc Bảo say mê Trương Lệ Hoa vào thế kỷ VI.

Để đẹp lòng tuyệt thế giai nhân, vua đã cho xây một tòa "hành cung hương các" mà từ cửa sổ cho đến lan can, tất cả đều được làm bằng gỗ đàn hương và trầm hương thượng hạng.

Thế sự đổi dời, triều đại sụp đổ, tòa hương các không còn, quý phi Trương Lệ Hoa nổi tiếng là "sủng phi gây loạn" cũng bị xử tử.

Sau này, văn nhân Hạ Tủng có làm bài thơ Cung từ mà đâu đó, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của câu chuyện trên: đêm về mơ đến đàn hương các, ánh rèm châu vẫn còn đó nhưng người xưa thì đã không còn:

"Dạ lai mộng thượng đàn hương các

Du ánh châu liêm tị quý phi"

(Hạ Tủng 985 - 1051)

Thật vậy, giấc mộng đàn hương là giấc mộng vàng son về một tòa hành cung tỏa ngát hương thơm mà ai cũng muốn trải nghiệm một lần. Lịch sử đã vùi đàn hương các vào dĩ vãng nhưng tiếng tăm và khát khao được tận hưởng nó thì vẫn là mơ ước muôn đời!

Bên chiếc gối tự tình

Sau khi văn nhân Hạ Tủng qua đời thì chưa đầy một năm sau, vùng Vệ Châu tỉnh Hà Nam đón chào sự ra đời của một tiểu hài nhi - người mà sau này sẽ viết nên những vần thơ thiên sầu ảo não.

Và đây, ta hãy nghe câu thơ thở than cho giấc mộng công danh - để thấy rằng, khi nghiêng chèo gác mái, có một người ưu tư vì hoài bão không thành - dòng lệ rơi như in lằn trên chiếc gối đàn hương.

"Lệ lũ đàn hương chẩm

Túy miên giao xuân phong".

(Hạ Chú 1052 - 1125)

Chiên đàn hương - khi cao sang thì làm "hương các" cho nhà vua, khi bình đạm thì hóa thành chiếc gối nằm. Và có thể nói rằng gỗ đàn hương chưa bao giờ tự tách biệt mình ra khỏi đời sống con người, với những khổ đau và hạnh phúc của con người!

Khi thiền sư hạ bút

Không cao quý như khi ở cung đình, gỗ đàn hương ở cửa Thiền môn khiêm tốn làm phương tiện hỗ trợ cho những người tu tập.

Nghe bảo trong dân gian, nhiều người đau lòng vì Hạ Tủng, Hạ Chú và bao nhiêu văn nhân tài tử khác qua đời. Kiếp nhân sinh như chiếc lá!

Vị thiền sư lấy mảnh gỗ cho vào bát, vén tay áo rồi khơi lửa. Trong đêm, người ta có thể nghe được tiếng gió bên tai và tiếng lá rụng lên thềm.

Vài giây trôi qua, mùi hương quen thuộc của Thiền gia bắt đầu lan tỏa. Nghe bảo ngày xưa, khi Lục Tổ Huệ Năng sắp ra đời, cao tăng Tam Tạng Trí Dược đã đến chùa Quang Hiếu để lập bia dưới cội đàn hương. Trên tấm bia ấy, ngài đã báo trước về sự ra đời của vị tổ thứ 6 Thiền tông.

Giờ đây, hương đàn hương lại gội rửa tinh thần Thiền gia, dẫn nhập con người vào cảnh giới tĩnh tại của tâm hồn. Giữa chốn hồng trần này, lỡ mang xác thân thế tục - người ta hiểu rằng những phút giây như vậy nó thanh sạch làm sao!

Thiền sư cứ ngồi tĩnh tại như vậy cho đến khi không gian đủ đầy hương chiên đàn. Gió động hay ngọn lửa đang động? Chỉ có thiền sư ngồi đây, quán sát với đàn hương. Kìa, có làn gió đêm thổi qua tàn lửa. Hơi gió nhẹ thôi nhưng đủ để làm tàn lửa ửng hồng.

Không biết tại sao, giây phút ấy, thiền sư có cảm tưởng rằng chính gió đã thổi cái sinh khí ấm áp của tàn lửa vào cành cây - để cho phút chốc, cành cây ấy trổ đầy hoa đỏ. Lửa trong bát hương tuy nhỏ nhưng đủ để làm cho những cành hoa trổ bông mang lại niềm hy vọng cho đời.

Thiền sư bất giác mỉm cười, ung dung đi vào lấy giấy mực:

"Nhất phiến đàn hương lô thượng hỏa,

Tàn hồng xuy khởi phát hoa chi".

(Thích Tuệ Huy 1097 - 1183)

Và chiếc quạt dân gian

Ra khỏi cửa Phật, ra khỏi lầu son gác tía, gỗ đàn hương chính là chiếc quạt ước mơ thơm mát giữa trưa hè.

Có thể thấy, tâm tình nhất là những lời thơ dân gian và hồn nhiên, chân thực nhất cũng là những lời thơ dân gian. Ngạn ngữ Tô Châu có câu:

"Lục nguyệt lý phiến tử đàn hương phiến

Tái nhiệt dã vật hội đả ứ tâm"

Nghĩa là: Tháng sáu mà có cái quạt đàn hương nhỏ - Thì có nóng đến đâu cũng không khó chịu trong người.

Như vậy, từ trong vô thức lẫn ý thức, hương đàn hương đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Và để thưởng thức vẻ đẹp của hương thơm, người xưa đã dùng đàn hương làm thành bột thoa, làm nhang, làm xà phòng, làm thành quạt gỗ và các tặng phẩm quý giá có ý nghĩa cả về lịch sử, kinh tế và văn hóa.

Được đăng vào

Viết bình luận